top of page

BẢN ĐIỀU LỆ

Hội Người Việt Tại Moncton và Vùng Lân Cận

 

LỜI MỞ ĐẦU

 

Đất nước Canada được thành hình và phát triển trên căn bản đa nguyên và đa văn hóa của hàng trăm sắc dân khác nhau. Chính phủ Canada trong suốt chiều dài lịch sử luôn luôn đề cao và hỗ trợ cho tinh thần này. Người dân Canada đều tự hào và biết rõ giá trị truyên thống lịch sử đa văn hóa của mình.

 

Cộng đồng người Việt tại Moncton đã hiện diện từ trên 50 năm qua và đã không ngừng góp phần vào sự phát triển của khu vực. Các thế hệ đi trước đã liên tục xây dựng cộng đồng ngày càng lớn mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc và đóng góp vào sự phát triển chung. Trong tinh thần đó, Hội Người Việt tại Moncton và Vùng Lân Cận được thành lập để tạo dựng nền tảng cho các quy chế sinh hoạt của cộng đồng trong hiện tại cũng như cho các thế hệ mai sau.

 

CHƯƠNG I. TÊN GỌI VÀ MỤC ĐÍCH

 

PHẦN A. TÊN GỌI

 

  • Tên chính thức: HỘI NGƯỜI VIỆT TẠI MONCTON VÀ VÙNG LÂN CẬN

  • Tổ chức Hội sẽ sử dụng tên này, hoặc tên viết tắt – GMVA – (Greater Moncton Vietnamese Association) trong các văn bản giao dịch chính thức, công khai.

 

PHẦN B. MỤC ĐÍCH

 

  • Mục tiêu chính của Hội là nhằm vận động, xúc tiến và quảng bá cho lợi ích của cộng đồng người Việt trong khu vực Greater Moncton. • Tất cả các hoạt động của Hội sẽ được hướng đến mục tiêu trên.

 

PHẦN C. PHƯƠNG CHÂM CHỦ ĐẠO

 

“Suy nghĩ chính trực, lời lẽ chân thành, hành vi tốt đẹp”.

 

CHƯƠNG II. HỘI VIÊN

 

PHẦN A. TIÊU CHUẨN

 

  • Tất cả mọi người gốc Việt Nam (có quốc tịch Canada hay thẻ thường trú) sống trong khu vực Moncton và vùng phụ cận có cùng mục tiêu như trên đều được tham gia Hội như một Hội viên có quyền bỏ phiếu (gọi là “Hội viên chính thức”)

  • Tất cả những người gốc Việt Nam hiện tại không sống trong khu vực Moncton cũng được quyền tham gia như Hội viên của Hội, nhưng không có quyền bỏ phiếu (gọi là “Hội viên không chính thức”)

  • Tất cả hội viên (chính thức và không chính thức) đều được yêu cầu cung cấp thông tin về bản thân (như tên họ, địa chỉ, điện thoại hay email) để tiện liên lạc khi cần.

 

PHẦN B. QUYỀN HẠN & NGHĨA VỤ

 

  • Tất cả các Hội viên đều có quyền tham dự các cuộc họp hay sự kiện của Hội.

  • Nếu một sự kiện cụ thể nào đó cần phải đóng phí để tham dự, thì mức phí phù hợp sẽ được xác định dựa trên tư cách là Hội viên chính thức, không chính thức hay thành phần khác.

  • Tất cả các Hội viên đều có nghĩa vụ ủng hộ cho mục tiêu trên của Hội.

 

PHẦN C. HỘI PHÍ

 

Hội phí sẽ được Đại Hội thường niên của toàn thể hội viên quyết định. Sau khi đóng hội phí, mỗi hội viên sẽ được cấp thẻ hội viên cho niên khóa hiện hành (2 năm).

 

PHẦN D. TỪ BỎ / TƯỚC BỎ TƯ CÁCH HỘI VIÊN

 

  • Một hội viên sẽ bị tước bỏ tư cách hội viên nếu không làm tròn các nghĩa vụ của mình như đã nêu trên hay vi phạm qui chế của Hội (ví dụ lạm dụng tư cách hội viên để hoạt động chính trị, kinh doanh).

  • Một cuộc bỏ phiếu trong một phiên họp thường kỳ hay bất thường với đa số tương đối sẽ được thực hiện để tước bỏ tư cách hội viên.

  • Các hội viên tham dự cuộc bỏ phiếu sẽ được thông báo bằng văn thư trước cuộc bỏ phiếu ít nhất một tuần.

  • Mọi Hội viên đều có thể từ bỏ tư cách Hội viên của mình khi thấy không còn thích hợp với tiêu chuẩn Hội viên nói trên nữa. Một hội viên muốn từ bỏ tư cách Hội viên của mình chỉ cần viết thư thông báo ra khỏi Hội và gửi thư này cho Ban Đại Diện của Hội.

 

CHƯƠNG III. LÃNH ĐẠO HỘI

 

PHẦN A. CHỨC DANH BAN ĐẠI DIỆN 

 

Có từ ba (03) đến bảy (07) thành viên gồm:

  • Chủ tịch

  • Phó Chủ tịch

  • Ủy viên phụ trách Tài chính/Ngân quĩ

  • Các Thành viên khác.

 

PHẦN B. NHIỆM VỤ

 

  • Chủ tịch sẽ chủ trì tất cả các cuộc họp của Hội và có quyền triệu tập các cuộc họp bất thường khi cần thiết. Trong trường hợp số phiếu biểu quyết thuận và không thuận ngang nhau, lá phiếu của Chủ tịch sẽ có tính chất quyết định.

  • Phó Chủ tịch có quyền điều hành Ban Đại diện lâm thời hoặc Bộ phận chuyên trách nào đó của Hội.

  • Thư ký/Thủ quĩ của Hội có nhiệm vụ ghi chép, lưu trữ các biên bản cuộc họp, soạn thảo các thư từ chính thức của Hội; lưu trữ và ghi chép các chứng từ, báo cáo liên quan đến tài chính của Hội.

  • Các Thành viên Ban Đại Diện xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch của Bộ phận mình được giao phó.

 

PHẦN C. TIÊU CHUẨN CHO BAN ĐẠI DIỆN ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG

 

Tất cả các Thành viên Ban Đại diện, hay ứng viên của Ban này, đều phải là hội viên chính thức.

 

PHẦN D. ĐỀ CỬ VÀ BẦU CỬ

 

  • Việc đề cử và bổ nhiệm vị trí Chủ tịch được thực hiện qua việc bỏ phiếu tại một phiên họp cộng đồng hoặc bỏ phiếu qua mạng internet.

  • Bất kỳ Hội viên nào cũng có quyền tự ứng cử hoặc đề cử Hội viên khác vào vị trí Chủ tịch, hoặc đề cử một liên danh gồm Chủ tịch và các thành viên.

  • Kết quả bỏ phiếu được công nhận khi có đa số phiếu thuận trên tổng số phiếu bầu hợp lệ.

  • Chủ tịch đắc cử (hoặc liên danh đắc cử) sẽ chỉ định các Thành viên của Ban Đại diện Hội theo cơ cấu trong Phần A của Chương này.

 

PHẦN E. BÃI NHIỆM BAN ĐẠI DIỆN

 

  • Một Thành viên Ban Đại Diện có thể bị bãi nhiệm khi không thể thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc có sự vi phạm qui định về tiêu chuẩn Hội viên.

  • Việc bãi nhiệm vị trí Chủ tịch Ban Đại Diện sẽ được thực hiện bằng cách bỏ phiếu từ các Hội viên của Hội.

  • Việc bãi nhiệm bất kỳ Thành viên Ban Đại Diện nào (trừ Chủ tịch) sẽ được thực hiện bằng cách bỏ phiếu bởi toàn bộ Ban Đại diện.

  • Cần có hai phần ba (2/3) số phiếu hợp lệ để quyết định bãi nhiệm Thành viên này.

  • Bất kỳ Thành viên nào cũng có quyền từ nhiệm khi gửi đơn lên Chủ tịch Ban Đại Diện. Chủ tịch Ban Đại Diện có quyền từ nhiệm bằng cách gửi đơn cho Phó Chủ tịch để sau đó thông báo cho toàn Ban Đại Diện.

 

PHẦN F. NHIỆM KỲ VÀ VỊ TRÍ KHUYẾT

 

  • Nhiệm kỳ của Ban Đại Diện là hai (02) năm, tính từ cuộc họp cộng đồng vào tháng 12 mỗi năm.

  • Khi có một vị trí trong Ban Đại Diện bị trống thì một qui trình bổ nhiệm người thay thế vào vị trí bị khuyết này sẽ được thực hiện thông qua việc bỏ phiếu của Ban Đại Diện với đa số phiếu thuận.

  • Trong thời gian chờ đợi thay thế, nếu vị trí bị khuyết là Chủ Tịch thì Phó Chủ tịch sẽ kiêm việc của Chủ tịch, nếu là Trưởng một Bộ phận trong Ban Đại Diện thì Chủ tịch Ban Đại Diện sẽ chỉ định người tạm thay thế.

 

CHƯƠNG IV. HỘI HỌP

 

PHẦN A. CÁC PHIÊN HỌP THÔNG THƯỜNG

 

Ban Đại Diện sẽ họp hàng quí: tháng 12, tháng 3, tháng 6 và tháng 9. Trong mỗi phiên họp thường kỳ của Ban Đại Diện, các Hội viên đều được khuyến khích tham dự với tư cách khách mời. Đặc biệt, tại phiên họp Ban Đại Diện vào tháng 9, để bàn về buổi họp mặt cộng đồng cuối năm, tất cả các Hội viên đều nên tham dự.

 

PHẦN B. CÁC PHIÊN HỌP BẤT THƯỜNG

 

Nếu có hai phần ba (2/3) số Thành viên của Ban Đại Diện yêu cầu thì Chủ tịch Ban Đại Diện có thể triệu tập một phiên họp bất thường với toàn thể hội viên trong Hội. Thông báo về phiên họp bất thường phải được gửi đến tất cả các Hội viên ít nhất 72 giờ trước phiên họp.

 

PHẦN C. SỐ HỘI VIÊN TRONG CÁC CUỘC HỌP

 

Để tiến hành một phiên họp, phải có ít nhất một nửa (1/2) số Hội viên có quyền bỏ phiếu tham dự. Nếu không đủ thì tất cả những quyết định của phiên họp này sẽ bị hủy bỏ.

 

CHƯƠNG V. CÁC TIỂU BAN (BỘ PHẬN)

 

PHẦN A. TIỂU BAN TÀI CHÍNH

 

  • Đây là một Bộ phận thường trực của Hội, mà mục đích là để quản lý tài chính (tiền bạc) của Hội. Công việc bao gồm: thu tiền, bảo quản, chi tiêu theo chỉ đạo của Ban Đại Diện, hoặc của các Thành viên Ban Đại Diện theo nguyên tắc sau:

    • Một chi phí được coi là đáng kể NẾU bằng hoặc lớn hơn Hai trăm Đô la Canada (CA$200.00) hoặc bằng 10% tổng số ngân quĩ hiện có của Hội. Nếu số tiền là đáng kể, quyết định phải được thông qua bởi Ban Đại Diện.

    • Nếu số tiền cần chi không đáng kể, quyết định chi có thể được thực hiện khi đa số thành viên của Bộ phận này chấp thuận.

    • Nếu số tiền cần chi là đáng kể, quyết định cần có sự đồng ý của BĐD.

    • Trưởng các bộ phận (tiểu ban) có quyền quyết định sử dụng từ năm mươi đô-la Canada ($50.00) trở xuống.

  • Tiểu Ban Tài Chính phải báo cáo tài chính mỗi năm hai lần cho Ban Đại Diện vào các cuộc họp của Ban.

 

PHẦN B. TIỂU BAN VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT

 

Đây cũng là một Bộ phận thường trực của Hội, mà mục đích là để lập kế hoạch và thực hiện các chương trình, sự kiện của Hội.

 

PHẦN C. CÁC TIỂU BAN KHÁC

 

Sẽ được đề xuất bởi cộng đồng và được bổ nhiệm bởi đa số phiếu bầu trong Ban Đại Diện.

 

CHƯƠNG VI. QUI CHẾ VÀ CHỈNH SỬA, BỔ SUNG

 

PHẦN A. QUI CHẾ

 

  • Hội là một tổ chức phi chính trị. Vì vậy,

    • Hội viên nào muốn thực hiện các hoạt động chính trị cần đảm bảo rằng các hoạt động đó của mình không phải là các hoạt động của Hội này.

    • Nếu có hoạt động nào của cộng đồng cần sử dụng cờ đại diện, thì Hội sẽ dùng cờ Canada/NB. Trong các sự kiện đa văn hóa của Chính phủ, Hội sẽ không đưa ra cờ riêng. Tuy nhiên, khi Chính phủ sử dụng cờ của các nước theo thông lệ thì Hội sẽ không đặt thành vấn đề (không quan tâm).

  • Các qui chế khác sẽ được thêm vào Bản Điều lệ này bằng quyết định từ đa số phiếu của các Hội viên chính thức trong một phiên họp.

 

PHẦN B. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

 

  • Bản Điều lệ này chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung bởi hai phần ba (2/3) số phiếu biểu quyết của Hội viên chính thức.

  • Thông báo về việc sửa đổi, bổ sung Bản Điều lệ này phải được gửi đến các Hội viên ít nhất một (01) tháng trước ngày bỏ phiếu.

bottom of page